Cho thuê phòng hội trường, phòng hội thảo, phòng đào tạo, phòng máy tính, phòng tổ chức sự kiện tại Hà Nội.

Thứ Tư, 2 tháng 11, 2016

Ngư dân Philippines thực sự được phép đánh bắt ở bãi cạn Scarborough?


Ngư dân Philippines thực sự được phép đánh bắt ở bãi cạn Scarborough?



Truyền thông và giới chức Philippines trong những ngày qua vẫn đưa tin về việc ngư dân nước này được quay trở lại đánh bắt tại bãi cạn Scarborough ở Biển Đông, mà không bị cản trở như trước, tuy nhiên các hình ảnh được chụp từ vệ tinh mới đây cho thấy diễn biến trên thực tế chưa hẳn đã đúng như vậy.

Ngư dân Philippines ra khơi gần bãi cạn Scarborough 
Từ cuối tuần trước, truyền thông Philippines đã đưa tin về việc ngư dân nước này được quay trở lại đánh bắt tại bãi cạn Scarborough, khu vực bị Trung Quốc chiếm đóng từ năm 2012, mà không gặp bất kỳ trở ngại nào từ phía Bắc Kinh. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết đã không còn tàu Trung Quốc, kể cả tàu cảnh sát biển hay tàu hải quân, hiện diện ở Scarborough, đồng thời nhấn mạnh việc rời đi này là một “diễn biến đáng hoan nghênh” từ phía Bắc Kinh.

Tuy nhiên, theo Business Insider, tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ ngày 1/11 đã công bố những bức ảnh mới nhất được chụp từ vệ tinh hôm 29/10, cho thấy những gì đang diễn ra tại bãi cạn Scarborough hiện nay không có nhiều khác biệt so với trước đó, nghĩa là ngư dân Philippines vẫn chưa được phép tiếp cận ngư trường dồi dào ở khu vực này như kỳ vọng.

Cụ thể, xuất hiện trong bức ảnh chụp từ vệ tinh là một tàu Trung Quốc đứng ngay ở cửa ngõ ra vào bãi cạn Scarborough. Khi neo đậu ở vị trí đó, con tàu này dường như chặn lối vào của ngư dân Philippines và hình ảnh từ vệ tinh cũng không cho thấy bất kỳ một tàu cá nào của Philippines xuất hiện phía trong Scarborough. Thay vào đó, các tàu cá Philippines chỉ lảng vảng bên ngoài và đánh bắt ngoài rìa bãi cạn. Cùng lúc, báo cáo của Hải quân Philippines cho biết tàu Trung Quốc vẫn hiện diện xung quanh Scarborough.

Hình ảnh vệ tinh do CSIS công bố, trong đó chấm màu đỏ là tàu chính phủ Trung Quốc, chấm màu cam là tàu phi chính phủ Trung Quốc và chấm màu vàng là tàu cá Philippines 

Như vậy, căn cứ trên hình ảnh do CSIS cung cấp, tàu cá Philippines có lẽ chỉ được tiếp cận gần hơn tới bãi cạn Scarborough so với trước đó, chứ chưa được phép ra vào thoải mái và đánh bắt tự do như họ từng làm trước khi Trung Quốc chiếm bãi cạn này cách đây 4 năm.

CSIS nhận định, nếu ngư dân Philippines vẫn bị cản trở và chưa thực sự được phép đánh bắt ở ngư trường Scarborough thì nội dung cuộc hội đàm giữa Tổng thống Rodrigo Duterte và Chủ tịch Tập Cận Bình nhân chuyến thăm tới Trung Quốc của nhà lãnh đạo Philippines hồi giữa tháng trước có chăng cũng chỉ dừng lại ở việc nới lỏng thêm một chút quyền kiểm soát của tàu Trung Quốc ở khu vực này, sau khi tòa trọng tài thường trực ở La Hay, Hà Lan ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh trên Biển Đông hồi tháng 7.

CSIS cho rằng những gì đang diễn ra ở bãi cạn Scarborough chỉ là thay đổi một chút so với hiện trạng được duy trì trong suốt 4 năm quá, chứ không thể hiểu là Trung Quốc đã trả lại hiện trạng như trước năm 2012, khi ngư dân Philippines có thể ra vào đánh bắt thường xuyên ở bãi cạn này.

“Đây có thể là một nhánh ô liu tạm thời mà Trung Quốc đưa ra (cho Philippines) trong khi các cuộc hội đàm về thỏa thuận dài hạn, điều mà có thể không bao giờ xảy ra, vẫn đang được tiến hành với chính phủ của ông Duterte”, Gregory Poling, lãnh đạo Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á, cho biết.

Trước đó, ông Hermogenes Esperon, cố vấn an ninh cấp cao của chính phủ Philippines, cho biết Tổng thống Duterte đã đàm phán với phía Trung Quốc về thỏa thuận hợp tác chung tại bãi cạn Scarbrough khi tới thăm Bắc Kinh. Theo đó, hai nước đã đạt được hiểu biết chung mang tính “hữu nghị” về việc cho ngư dân Philippines được đánh bắt tại bãi cạn này, nhưng tất cả chỉ dừng lại ở đó, còn trên thực tế, hai bên không ra được bất kỳ bản thỏa thuận nào bằng văn bản về vấn đề này. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 31/10 cho biết Bắc Kinh vẫn đang “điều hành bình thường” ở bãi cạn Scarborough, đồng thời khẳng định tình hình ở khu vực này không và sẽ không thay đổi.
Share:

Mổ xẻ nguyên nhân Tổng thống Duterte "dị ứng" Mỹ


Mổ xẻ nguyên nhân Tổng thống Duterte "dị ứng" Mỹ


Với tuyên bố "chia tay" với Mỹ, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã khiến dư luận thế giới bất ngờ. Tuy nhiên, theo giới quan sát, đây chỉ là sự "dồn nén" lâu nay của chính trị gia này về mối quan hệ giữa Philippines và Mỹ.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.
Khi có mặt tại Đại lễ đường nhân dân ở Bắc Kinh hôm 20/10, nhiều khán giả nghĩ rằng họ sẽ được nghe những đoạn phát biểu về Trung Quốc của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Tuy nhiên, sau tất cả, bài phát biểu này lại không "nhằm" vào Bắc Kinh mà để củng cố những bình luận trước đó của Tổng thống Duterte về quan hệ giữa Philippines và Mỹ, với đỉnh điểm là tuyên bố "tách" khỏi sự phụ thuộc vào Washington trong lĩnh vực kinh tế và quân sự.

Với những người chưa biết tới cựu Thị trưởng thành phố Davao, có lẽ họ rất bất ngờ trước bài phát biểu với lời lẽ "chống" Mỹ của Tổng thống Duterte. Tuy nhiên, các cố vấn và những người thân cận với ông luôn nhấn mạnh rằng quan điểm "không ưa" Mỹ của Tổng thống Duterte rất sâu sắc và quan hệ song phương không thể sớm trở lại quỹ đạo suôn sẻ như trước.

Trả lời phỏng vấn trang mạng Diplomat không lâu sau chuyến thăm Trung Quốc, một cố vấn của Tổng thống Duterte cho biết: "Khó có thể giải thích về quan điểm của ông ấy vì nó là sự tổng hợp từ chính sách, tính cách cá nhân, lịch sử, xuất xứ". Có lẽ để hiểu rõ hơn quan điểm về Mỹ của Tổng thống Duterte, cần phải nhìn lại quá khứ của chính trị gia này, cũng như những giai đoạn trong lịch sử của quốc gia Đông Nam Á.

Xuất thân

Một phần quan điểm không ưa Mỹ của Tổng thống Duterte bắt nguồn từ xuất thân của ông. Dù sinh ra trong một gia đình có truyền thống chính trị, song ông Duterte là Tổng thống đầu tiên tới từ miền Nam Philippines, nơi người dân theo đạo Hồi chiếm đa số so với các nơi khác của Philippines. Trong cuộc phỏng vấn mới đây trên báo Wall Street Journal, chị của Tổng thống Duterte, bà Jocellyn Duterte, tiết lộ rằng chính bà của họ, một người theo đạo Hồi, đã truyền cho ông Duterte tư tưởng Mỹ phải chịu trách nhiệm vì biến Philippines thành thuộc địa trong nửa đầu thế kỷ 20.

Tổng thống Duterte cũng tự nhận mình là người theo cánh tả, xu hướng được củng cố khi ông nghiên cứu khoa học chính trị dưới thời Jose Maria Sison - người đã thành lập Đảng Cộng sản Philippines vào những năm 1960. Do vậy, tư tưởng chống thực dân được cho là một tác động tới quan điểm của Tổng thống Duterte về Mỹ.

Thái độ "chống thực dân" trong thế giới quan của Tổng thống Duterte không chỉ xuất hiện trong các bài phát biểu của ông mà nó còn được gắn chặt với "chính sách đối ngoại độc lập" hiện nay của Philippines. Theo đó, Manila sẽ giảm sự phụ thuộc vào Mỹ và hướng sang các quốc gia khác, gồm cả Trung Quốc.

Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay ngày 4/10 viết trên mạng xã hội Facebook rằng, Mỹ đã thất bại khi tìm cách sử dụng những "chuỗi vô hình" buộc Manila "hướng tới sự quy phục và lệ thuộc". Ông Yasay cho rằng "chính sách cây gậy và củ cà-rốt" của Mỹ cho Philippines đã được sử dụng hiệu quả trong nhiều năm để buộc người Philippines vào lộ trình đáp ứng "nhu cầu và lợi ích của Mỹ". Ông khẳng định: "Vì vậy, Tổng thống Duterte đang tìm cách giải phóng chúng ta khỏi quá trình này".

Những sứt mẻ trong quá khứ

Dù quan điểm của Tổng thống Duterte về Mỹ bắt đầu từ nguồn gốc của ông song thái độ ngày càng quyết liệt được xây dựng dựa trên những lần "va chạm" giữa chính trị gia này với Washington trong quá khứ. Một ví dụ cụ thể là vào tháng 5/2002, Tổng thống Duterte lúc đó đang là Thị trưởng thành phố Davao. Khi đó, ông cho rằng Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã can thiệp để "thợ săn tiền thưởng" Michael Meiring, một người Mỹ, trốn thoát sau khi người này vô tình kích hoạt thiết bị nổ trong phòng khách sạn của ông ở thành phố Davao.

Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana cũng đã xác nhận rằng vụ việc Meiring "vẫn còn trong tâm trí Tổng thống Duterte". Bộ trưởng Lorenzana nói: "Vụ việc đó xảy ra từ lâu song ông ấy vẫn đề cập tới cảm giác khi Mỹ đưa lực lượng tới thành phố Davao mà không báo trước rồi đưa một người đang trong diện điều tra rời khỏi Philippines".

Ngoài ra, Tổng thống Duterte cũng có thái độ không hài lòng với hệ thống nhập cư của Mỹ. Ông từng được cho là đã bị từ chối cấp thị thực, vụ việc được cho là có sự liên hệ giữa mối quan ngại của Washington tới các vụ sát hại ở thành phố Davao. Bên cạnh đó, cũng có thông tin cho rằng giới chức về di trú của Mỹ trước kia đã coi thường ông Duterte. Một trong những sự vụ mà ông đề cập trong bài phát biểu tại Diễn đàn Đầu tư và Thương mại ở Bắc Kinh là về việc ông bị thẩm vấn bởi một quan chức nhập cư người Mỹ gốc Phi ở sân bay quốc tế Los Angeles trong lúc trên đường tới Brazil vì thiếu giấy tờ. "Đó là lần cuối cùng tôi tới Mỹ", ông Duterte nói.

Với những "va chạm" nêu trên, không có gì quá ngạc nhiên trong quá trình làm Thị trưởng thành phố Davao, Tổng thống Duterte từng công khai quan điểm phản đối quá trình hợp tác an ninh Mỹ - Philippines, bất chấp việc cuộc tập trận chiến lược Balikatan diễn ra ở vịnh Davao và Lầu Năm Góc muốn sử dụng sân bay ở thành phố này cho các sứ mệnh do thám của máy bay không người lái.

Bất bình hiện tại

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte từng gọi Đại sứ Mỹ Philip Goldberg là "gã đồng tính".
Tổng thống Duterte được cho là không hài lòng với chính quyền hiện nay của Tổng thống Mỹ Barack Obama, đặc biệt là khi Đại sứ Philip Goldberg đề cập tới chuyện "không hay" trong thời điểm ông đang vận động tranh cử. Tháng 6 vừa qua, Đại sứ Goldberg đã chỉ trích câu nói đùa của ông Duterte về việc ông muốn hãm hiếp nhà truyền giáo xinh đẹp người úcAustralia, nạn nhân bị tấn công tình dục và sát hại trong vụ bạo động ở nhà tù tại thành phố Davao năm 1989.

Khi đã trở thành Tổng thống, ông Duterte vẫn tiếp tục công kích Đại sứ Goldberg, đồng thời cho rằng quan chức ngoại giao này đưa ra lời chỉ trích vào thời điểm chuẩn bị tổng tuyển cử ở Philippines là hành động "can thiệp" gián tiếp.

Trong khi đó, các cố vấn của Tổng thống Duterte cho biết ông vẫn rất tức giận vì những tuyên bố của mình trước đây bị đưa ra khỏi bối cảnh hoặc cố tình hiểu sai. Ví dụ như trong lần đầu tiên mà báo chí phương Tây cho rằng Tổng thống Duterte đã lăng mạ Tổng thống Obama bằng từ tiếng Philippines "putangina", vốn là từ lóng ở quốc gia Đông Nam Á này. Tuy nhiên, cụm từ này cũng được sử dụng ở Philippines chỉ để bày tỏ sự tức giận. Chưa kể, cụm từ này được nói ra là nhằm tới phóng viên lúc đó, không phải nhằm vào Tổng thống Obama.

Ngoài ra, Tổng thống Duterte cũng cảm thấy chính quyền Mỹ không tôn trọng ông theo cách mà họ chỉ trích về cuộc chiến chống ma tuý, một trong những ưu tiên trong nước của ông. Trong cuộc phỏng vấn với kênh Al Jazeera hôm 16/10 trước chuyến thăm Bắc Kinh, Tổng thống Duterte thừa nhận rằng Mỹ có những mối quan ngại của họ song cách mà Washington đưa ra quan điểm không thực sự "tinh tế". Theo ông, Mỹ có thể lựa chọn đưa ra quan ngại ở những diễn đàn quốc tế, thay vì đe dọa rằng nếu Tổng thống Duterte không chấm dứt cái mà họ coi là vi phạm nhân quyền, Washington sẽ cắt giảm viện trợ. Tổng thống Duterte nói: "Điều đó thực sự không thể chấp nhận được. Đó là sai lầm rất nghiêm trọng".

Thời gian tới khi hai nước thay đại sứ mới ở mỗi quốc gia, và Tổng thống Mỹ sẽ tới Manila trong năm 2017 để tham dự các hội nghị ASEAN. Đây được coi là những cơ hội để hai bên "giảng hoà". Hơn nữa, bản thân ông Duterte mỗi khi đưa ra những phát ngôn gay gắt về quan hệ với Mỹ lại lập tức tìm cách "chữa cháy" cho bình luận của ông.

Tuy nhiên, các trợ lý của Tổng thống Duterte cũng thừa nhận rằng họ không chắc ông sẽ thay đổi quan điểm về Mỹ trong nhiệm kỳ 6 năm. Một trợ lý giấu tên nói: "Chúng ta cần phải xem điều chỉnh các bất đồng như thế nào và quá trình đó sẽ mất thời gian”.
Share:

Thứ Ba, 1 tháng 11, 2016

Học sinh trường Olympia trong một vở Tuồng


Giáo dục học sinh kĩ năng, lòng nhân ái từ môn nghệ thuật tuồng


Cô giáo Nguyễn Hồng Duyên, giáo viên trường THPT Olympia - Hà Nội, trưởng Dự án “Tìm hiểu nghệ thuật Tuồng” cho biết, qua khảo sát và nghiên cứu, nhận thấy nghệ thuật Tuồng có thể dễ dàng tích hợp được với hoạt động dạy học môn Ngữ văn, Lịch sử, Mĩ thuật, Âm nhạc.

Học sinh trường Olympia trong một vở Tuồng
Thúc đẩy giáo dục kĩ năng học sinh

Dự án “Tìm hiểu nghệ thuật Tuồng” chính là một trong các dự án với sự tham gia của 5 khối lớp (5, 6, 7, 8, 11) và toàn bộ giáo viên tổ Ngữ văn, Âm nhạc, Mĩ thuật, Lịch sử trường THPT Olympia - Hà Nội.

Qua khảo sát và nghiên cứu, chủ nghiệm Dự án là cô Nguyễn Hồng Duyên nhận thấy nghệ thuật Tuồng có thể dễ dàng tích hợp được với hoạt động dạy học môn Ngữ văn, Lịch sử, Mĩ thuật, Âm nhạc. Các tích truyện trong tuồng, phần nhiều lấy từ các nhân vật, sự kiện Lịch sử. Có thể học Lịch sử bằng cách xem Tuồng.

“Mĩ thuật của Tuồng cũng rất đặc biệt với tính ước lệ cao và nghệ thuật hoá trang, vẽ mặt nạ rất hấp dẫn với trẻ nhỏ. Âm nhạc của tuồng là sự kết tinh của nghệ thuật âm nhạc từ dàn nhạc truyền thống Việt Nam mà trong đó các nghệ sĩ chơi nhạc cụ trong dàn nhạc Tuồng được đánh giá là những nghệ sĩ đỉnh cao…

Hơn thế, các bài dạy học Lịch sử, Mĩ thuật, Âm nhạc trong chương trình lớp 7, 8 đều có những nội dung phù hợp để tích hợp vào chủ đề này: câu chuyện về Trần Quốc Toản và lá cờ thêu sáu chữ vàng, nghệ thuật vẽ mặt nạ, các nhạc cụ truyền thống dễ dàng trở thành đối tượng để các học sinh bộc lộ cảm xúc, để các em viết thành những câu chuyện, nhật kí, phóng sự, làm thành các bộ phim giới thiệu.... Do đó trong các khối lớp tham gia, khối lớp 7, 8 được lựa chọn dạy học tích hợp các bộ môn này vào hoạt động của môn Ngữ văn: văn tự sự và biểu cảm” - cô Duyên thuyết minh.

Trao đổi thêm về nội dung tích hợp, cô Nguyễn Hồng Duyên cho biết, trong dự án “Tìm hiểu nghệ thuật Tuồng” có 233 học sinh (lớp 5, 6, 7, 8, 11) và 20 Giáo viên tham gia phụ trách các môn Ngữ văn, Lịch sử, Âm nhạc, Mĩ thuật. Các em học sinh sẽ tham gia vào các hoạt động: Chuẩn bị cho dự án; Tổ chức chuyến tham quan nhà hát Tuồng; Tổ chức tiết Luyện nói văn biểu cảm, văn tự sự bằng hình thức báo cáo sản phẩm.

Ý nghĩa của dự án được nhiều người đánh giá cao ở các khía cạnh từng môn. Đối với môn Ngữ văn, học sinh học theo cách này sẽ được luyện nói văn biểu cảm và văn kể chuyện thông thường là những giờ dạy học học sinh được chủ động thể hiện mình với các sản phẩm dưới dạng nói, đóng vai… Giáo viên tại đây thường tổ chức cho các em dưới hình thức như một buổi báo cáo sản phẩm học tập để các em được thể hiện mình.

"Sản phẩm học tập sẽ thường bị bó hẹp và không có tính thực tiễn nếu chỉ là những sản phẩm tự nghiên cứu. Việc cho học sinh đi thực tế tại nhà hát Tuồng sẽ giúp các em có được cảm xúc và những kiến thức sống động để có thể làm văn kể chuyện hay hơn, các chất liệu sinh động và thực tế hơn. Đặc biệt tìm hiểu nghệ thuật truyền thống cũng là một chủ đề rất ý nghĩa để rèn năng lực thẩm mỹ, cảm xúc nhân văn cho các em ở lứa tuổi lớp 7, 8" - cô Duyên cho biết.

Ngoài ra, với môn lịch sử, trước đó học sinh thường được học Lịch sử thông qua các hoạt động học trên lớp và thăm quan các Bảo tàng, học tập Di sản. Các dạng học tập này rất quen thuộc, việc đưa học sinh đến với môn Sử thông qua việc xem Tuồng là trải nghiệm mới mẻ, thú vị làm tăng độ hấp dẫn cho môn học.

Giúp học sinh nhận thức với thực tiễn đời sống xã hội

Trao đổi thêm về dự án, cô Nguyễn Hồng Duyên cho biết, dự án này là hoạt động góp phần đổi mới hình thức tổ chức dạy học, đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá kết quả học tập; tăng cường hiệu quả sử dụng thiết bị dạy học, đặc biệt khuyến khích giáo viên sáng tạo, thực hiện dạy học theo chủ đề, chủ điểm có nội dung liên quan đến nhiều môn học và gắn liền với thực tiễn tại trường Olympia.

Trong bối cảnh toàn cầu hoá của thế giới, giáo dục của một quốc gia cần đặt ra mục tiêu đầu ra là những HS có phẩm chất của công dân toàn cầu với một phông văn hoá chắc chắn, việc cho HS tìm hiểu văn hoá truyền thống là một yêu cầu rất bức thiết. Các loại hình Chèo, Cải lương, Ca trù, Đờn ca tài tử, Múa rối…

Học sinh ít nhiều đã được tiếp xúc trong sách giáo khoa Ngữ văn hoặc xem các cuộc thi trên truyền hình. Nghệ thuật Tuồng là một bộ môn nghệ thuật khó, các em ít được tiếp xúc và chưa có cơ hội trải nghiệm. Chúng tôi đưa ra dự án này để bổ sung vào “chỗ hổng” đó.

Dự án này còn mang nhiều ý nghĩa về cộng đồng. Thực tế, bộ môn Nghệ thuật Tuồng là một bộ môn nghệ thuật kinh điển, có phần xa lạ đối với thẩm mỹ của đại chúng.

Tính phổ biến của bộ môn này đến với học sinh trong hoàn cảnh hiện nay lại càng bị thu hẹp hơn khi thị hiếu của lớp trẻ có phần thay đổi theo xu hướng toàn cầu hoá. Do vậy, dự án có ý nghĩa cộng đồng rất lớn khi đã tạo được hiệu ứng lớn trong 233 học sinh và lan truyền tới hàng trăm gia đình trong cộng đồng học sinh.
Share:

“Cha đẻ” của nhân vật “sếp đầu hói” xót xa nói về NSƯT Phạm Bằng


“Cha đẻ” của nhân vật “sếp đầu hói” xót xa nói về NSƯT Phạm Bằng

NSND Khải Hưng, “cha đẻ” của “sếp đầu hói” chia sẻ rằng, ông may mắn được tiếp xúc với nghệ sĩ Phạm Bằng khi thực hiện “Gặp nhau cuối tuần”. Chính NSƯT Phạm Bằng từng có lời nhờ ông đọc điếu văn cho ông khi ông “trăm tuổi”.

Trong cuộc đời làm nghệ thuật của NSƯT Phạm Bằng, bên cạnh những vai diễn ấn tượng trên sân khấu kịch và phim truyền hình thì nam nghệ sĩ này còn ghi dấu ấn với nhiều tiểu phẩm hài trong “Gặp nhau cuối tuần”. Cho đến bây giờ, khi chương trình đã khép lại nhiều năm nhưng khán giả vẫn chưa thể quên được sự duyên dáng, dí dỏm và hài hước của vai “sếp đầu hói” do NSƯT Phạm Bằng thủ vai. Có thể nói đây là vai diễn đã thực sự đưa tên tuổi của NSƯT Phạm Bằng đến với khán giả một cách sâu rộng.


NSND Khải Hưng đang đạo diễn một tiểu phẩm cho "Gặp nhau cuối tuần" có sự tham gia của nghệ sĩ Phạm Bằng, Văn Toàn, Hương "tươi".
Đạo diễn NSND Khải Hưng - người khai sinh ra “Gặp nhau cuối tuần”, “cha đẻ” của hình tượng nhân vật “sếp đầu hói” chia sẻ, chương trình này đứng được cũng nhờ sự góp mặt của Phạm Bằng. Và chính nhờ diễn chung với Phạm Bằng trong series của “Gặp nhau cuối tuần” (Chuyện của sếp, Chuyện hàng xóm…) mà rất nhiều gương mặt thành danh theo như: Quốc Khánh, Vân Dung, Quang Thắng, Giang “còi”, Quang “tèo”, Hương “tươi”, Vượng “râu”, Hiệp “gà”…

Đạo diễn NSND Khải Hưng kể, có lần đoàn phim về một vùng quê, thoáng thấy bóng NSƯT Phạm Bằng, đám trẻ đang chăn trâu cắt cỏ nhạy tọt xuống mừng rỡ bảo: “Ơ… thằng sếp kìa!”. Nghe thế, NSƯT Phạm Bằng đáp vui: “Con lạy các cụ, con lạy các ông. Con bằng tuổi các cụ, các ông rồi đấy”. Cũng khi ấy, NSND Khải Hưng liền kéo đám trẻ lại, tất cả đứng chung với nhau để chụp ảnh làm kỷ niệm, đoạn cho bọn trẻ xoa cái đầu hói của “ông sếp”.

Từng công tác với NSƯT Phạm Bằng trong hàng trăm tiểu phẩm hài, đạo diễn NSND Khải Hưng bảo NSƯT Phạm Bằng là người rất kín tiếng và ít khi chia sẻ về chuyện vợ con. Có lần, “cha đẻ” của “Gặp nhau cuối tuần” trêu ông rằng “sao lại mồ côi mồ cút thế này”, NSƯT Phạm Bằng mới tâm sự: “bà xã mình mất lâu rồi” và thổ lộ nguyện vọng chỉ muốn đi làm phim cho có bạn có bè để khỏa lấp tuổi già.

Hiểu được tâm tư ấy của NSƯT Phạm Bằng nên sau này hễ có dịp làm phim, dù là vai lớn, vai chỉ xuất hiện với vài ba câu thoại hoặc vai phụ… đạo diễn “Mẹ chồng tôi” vẫn muốn gọi điện mời ông tham gia. Nhớ lại những ngày tháng ấy, NSND Khải Hưng bảo, sau này khi tuổi ngày càng cao, khả năng thuộc lời của nam nghệ sĩ bắt đầu kém đi, tai ông cũng nghễnh ngãng hơn một chút…nhưng tất cả không ai dặn ai, đều bảo nhau “để cho bố Bằng thuộc lời” dù có khi phải chờ ông nửa tiếng đồng hồ. Có lần, vì thấy ông học lời lâu quá mà vẫn chưa thuộc, NSND Khải Hưng mới nói to nhắc nhở “sao lâu thế mà ông vẫn chưa thuộc lời ạ?” nhưng ông không giận mà còn trêu lại: “Giọng cậu còn vang lắm, bao giờ tớ chết, cậu đọc điếu văn cho tớ nhé!”.

Nhân vật "sếp đầu hói" đã đi vào lòng khán giả kể cả khi "Gặp nhau cuối tuần" không còn phát sóng. 

Cảm thấy áy náy khi biết vì mình không thuộc lời mà làm ảnh hưởng đến mọi người trong đoàn làm phim nên không ít lần NSƯT Phạm Bằng chủ động bảo: “Tôi xin lỗi các cậu, xin lỗi đạo diễn vì tuổi đã cao, không còn khỏe như trước”. Nhưng mọi người đều an ủi động viên ông rằng “Không sao cụ ạ, tuổi cụ làm được thế này là tiên rồi”.

Bên cạnh hoạt động nghệ thuật, NSƯT Phạm Bằng còn được biết đến là ông chủ của quán bánh trôi tàu nổi tiếng ở số 30 Hàng Giầy (Hà Nội). NSND Khải Hưng kể khi còn sống, NSƯT Phạm Bằng từng nói riêng với ông rằng: “Hôm nào cậu đến ăn bánh trôi tàu nhà tôi, tôi sẽ đích thân làm và mời cậu”. Tiếc là sau đó có lần NSND Khải Hưng tìm đến quán ăn, vì không hẹn trước nên NSƯT Phạm Bằng không có ở đó. Lần khác, cách đây vài tháng, NSND Khải Hưng chợt nhớ đến món bánh trôi tàu nên tìm đến đây ăn nhưng quán đóng cửa, nghe hàng xóm bảo ông đi làm phim. Sau này đạo diễn “Mẹ chồng tôi” mới biết, NSƯT Phạm Bằng bị bệnh và phải nằm viện điều trị nhưng ông giấu mọi người nên ai cũng nghĩ ông đi vắng lâu ngày là vì bận làm phim. “Tôi rất tiếc vì không đến thăm anh được những ngày cuối cùng và ân hận vì chỉ biết tin khi anh ấy qua đời” - NSND Khải Hưng xúc động chia sẻ.

Đến khi NSƯT Phạm Bằng qua đời, mọi người mới biết ông bị mắc bệnh ung thư gan. Được biết, gia đình NSƯT Phạm Bằng giấu ông về căn bệnh này do không muốn ông quá lo lắng về sức khỏe. Tuy nhiên, đạo diễn Khải Hưng bảo có lẽ chính NSƯT Phạm Bằng cũng biết tình hình sức khỏe của mình lâu rồi nhưng với tính cách của mình, ông luôn tỏ ra lạc quan.

NSƯT Phạm Bằng trong một tiểu phẩm hài Tết với nghệ sĩ Kim Xuyến và Công Lý.

Sở dĩ vậy, bởi theo đạo diễn NSND Khải Hưng thì từ khoảng thời gian cuối của chương trình “Gặp nhau cuối tuần”, NSƯT Phạm Bằng khi ấy đã bắt đầu chậm chạp hơn trong việc học thoại và diễn xuất. Lúc đầu mọi người trong đoàn làm phim cũng đoán ông có vấn đề gì đó về sức khỏe, sau NSƯT Phạm Bằng mới bảo “tớ dính rồi” nhưng vẫn vui vẻ động viên ngược lại mọi người rằng: “Tớ không sao, vẫn khỏe”. Đạo diễn NSND Khải Hưng bảo thời đó, ông cũng chưa hiểu “dính” là thế nào nhưng sau này ông đoán được, có lẽ chính NSƯT Phạm Bằng cũng biết rõ về tình trạng sức khỏe mà mình đang gặp phải.

Sự lạc quan của NSƯT Phạm Bằng, theo đạo diễn NSND Khải Hưng là bởi ông không muốn mọi người biết về bệnh tình của mình rồi không dám mời đi làm phim nữa. Vì thế ông ít khi nhắc đến vấn đề sức khỏe của mình, cũng là cách để ngấm ngầm nói với mọi người rằng: “tớ không sao cả, các cậu cứ gọi tớ đi làm phim nhé”.

Về lời nói vui của NSƯT Phạm Bằng: “Sau này tớ chết, cậu đọc điếu văn cho tớ nhé”, đạo diễn NSND Khải Hưng bảo nếu gia đình nghệ sĩ đặt vấn đề thì trong lễ tang của nam nghệ sĩ sắp tới ông sẵn lòng làm theo lời gửi gắm của ông trước đây. Cách đây ít lâu, đạo diễn NSND Khải Hưng cũng đã xong một kịch bản phim hài và định mời NSƯT Phạm Bằng tham gia diễn xuất, nhưng cũng vì sự ra đi đột ngột này của ông nên đạo diễn Khải Hưng sẽ tạm hoãn ý định này.
Share:
Được tạo bởi Blogger.

Người đóng góp cho blog

Số lượt xem tuần trước