Bộ Xây dựng vừa gửi báo cáo Quốc hội về các vấn đề của ngành, trong đó bao gồm đánh giá về thị trường bất động sản từ năm 2017 đến tháng 6/2018. Cơ quan này cho rằng, giá nhà ở chưa ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực của bất động sản, đồng thời vượt quá khả năng chi trả của đại bộ phận người dân.
Trong khi đó, giới đầu cơ bất động sản tiếp tục hoạt động công khai, đẩy giá lên cao bằng cách lợi dụng các yếu tố xã hội như chuẩn bị quy hoạch đô thị, sắp xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị... gây bất ổn thị trường.
Cơ quan quản lý cũng nhìn nhận, sự phát triển của thị trường bất động sản vẫn thiếu minh bạch ở tất cả các khâu: quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư, giao dự án cho đến giao dịch bất động sản. Việc thực hiện chưa triệt để quy tắc đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án vẫn diễn ra ở nhiều địa phương. Cơ chế xin - cho vẫn tồn tại khi giao dự án nên dễ phát sinh tiêu cực. Bộ cũng cho rằng, sự phát triển của thị trường bất động sản hiện vẫn chưa được các cơ quan nhà nước, nhất là các địa phương quản lý chặt chẽ.
Theo Bộ, cơ cấu hàng hóa bất động sản vẫn chưa hợp lý. Trong đó, Hà Nội và Tp.HCM là hai thị trường lớn nhất đang dư thừa nhà ở cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao, trong khi nhà ở bình dân phù hợp với nhu cầu của nhiều người dân đô thị lại khan hiếm.
Tuy nhiên, Bộ cũng xác nhận, cơ cấu hàng hóa trên thị trường ngày càng có sự đa dạng. Theo đó, bắt đầu từ năm 2015, loại hình căn hộ du lịch (condotel) và biệt thự du lịch (resort) bắt đầu xuất hiện tại các tỉnh thành ven biển nhờ được các địa phương cấp phép đầu tư. Còn tại những đô thị lớn như Hà Nội, Tp.HCM..., văn phòng làm việc kết hợp lưu trú (officetel) cũng đã xuất hiện ngày càng nhiều. Bộ Xây dựng cũng cho biết, trong số 71 dự án bất động sản được Bộ thẩm định thiết kế cơ sở từ đầu năm 2015 đến nay có khoảng 25.639 căn hộ condotel, officetel... Đó là chưa tính hàng chục nghìn căn condotel, officetel được thẩm định, cấp phép bởi các địa phương theo thẩm quyền.
Tuy nhiên, Bộ cũng thừa nhận rằng hiện nay hợp đồng mua bán còn nhiều điều kiện không chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch khiến các giao dịch còn tiềm ẩn nhiểu rủi ro cho nhà đầu tư và người mua.
Theo số liệu thống kê của cơ quan này, trong 6 tháng đầu năm 2018, thị trường Hà Nội ghi nhận khoảng 8.350 lượt giao dịch thành công, tăng gần 25% so với cùng kỳ năm 2017. Tại Tp.HCM, lượng giao dịch cao hơn khi đạt khoảng 9.550 lượt, tăng 31,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến thời điểm 20/8, toàn thị trường còn tồn kho sản phẩm bất động sản trị giá khoảng 23.700 tỷ đồng. Nếu so với quý I/2013 - giai đoạn đỉnh điểm, tồn kho đã giảm gần 82% (104.856 tỷ đồng). Sản phẩm tồn kho chủ yếu tập trung ở những dự án xa trung tâm, hạ tầng và các dịch vụ thiết yếu chưa đầy đủ nên không bán được hàng.
(Theo Vnexpress)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét