Trong khi cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra nguyên nhân, hàng trăm hộ dân xã Quảng Long, Quảng Xương, Thanh Hóa méo mặt chịu trận với loại “lúa ma” mọc lẫn lúa gieo trồng.
Nông dân đang khổ sở vì tình trạng lúa ma |
Trồng lúa để … trâu, bò ăn
Đạp xe chở những bó “lúa ma” từ đồng về, bà Lê Thị Lài (65 tuổi, ngụ ở thôn Thổ Ngõa, xã Quảng Long) ngậm ngùi: “Nhà tôi có 7 sào ruộng, trong đó 6 sào là “lúa ma”. Giờ ngày nào cũng phải ra đồng nhổ “lúa ma” về cho trâu, bò ăn. Gia đình tôi chủ yếu trồng lúa, nhưng giờ không thu hoạch được lúa lấy đâu tiền trang trải cuộc sống hàng ngày”.
Theo bà Lài, năm 2017 tình trạng “lúa ma” cũng mọc lên xen lẫn trong ruộng lúa gieo trồng và phải bỏ đi rất nhiều. Đến khi thu hoạch, 7 sào ruộng được 1,5 tấn thóc. Năm nay, “lúa ma” mọc nhiều hơn, bà Lài lo lắng “không biết có còn cân thóc nào nữa không?”.
Theo tìm hiểu, trong 2 năm trở lại đây, tình trạng “lúa ma” xuất hiện trên những cánh đồng xã Quảng Long (huyện Quảng Xương) đã khiến hàng trăm hộ dân phải chịu nhiều khổ cực. Lúa gieo trồng chăm sóc đến khi chuẩn bị trổ bông lại phải nhổ bỏ hoặc chịu thất thu khi mùa tới.
Người dân xã Quảng Long cho hay, “lúa ma” là một loại cây giống y hệt như cây lúa nước bình thường và mọc xen lẫn lúa tự nhiên. Tuy nhiên, loại lúa này lại ra bông sớm rồi rụng đi, trong khi đó lúa nước được gieo trồng thì mới chuẩn bị vào thời kỳ trổ bông. Diện tích “lúa ma” nhiều lấn át diện tích gieo trồng cây lúa nước khiến người dân xã Quảng Long phải lao đao vì sản lượng thu hoạch lúa giảm sút nghiêm trọng. Để tránh “lúa ma” lây lan, ngày nào người dân nơi đây cũng phải ra đồng nhổ “lúa ma” về cho trâu, bò ăn. Có những mẫu ruộng phải nhổ trắng vì... “lúa ma”.
Chị Nguyễn Thị Bình (SN 1975, ở thôn Bái Đông) cho biết: “Vụ xuân năm 2016, khi tôi cấy giống lúa thơm LT2 thì thấy “lúa ma” mọc rất nhiều, hạt chưa chín đã rụng hết nên tôi phải thu hoạch sớm với năng suất chỉ bằng 50% các vụ trước. Đến vụ thu đông năm 2016, tôi tiếp tục gieo sạ nhưng “lúa ma” vẫn mọc lên như mạ, gia đình tôi nhổ không hết nên cũng phải thu hoạch sớm không lúa rụng hết. Năng suất vụ đó chỉ còn khoảng 30%”.
Đến vụ xuân năm 2017, “lúa ma” mọc lên ngày càng nhiều, gia đình chị Bình tiếp tục phải nhổ bỏ khiến năng suất còn khoảng 20%. Tới vụ thu đông năm 2017, gia đình chị Bình vẫn cày bừa bình thường nhưng không gieo sạ mà để “lúa ma” lên hết khoảng hơn một tháng rồi phun thuốc cỏ cháy cho “lúa ma” chết, sau đó tiến hành cày đổ ải phơi đất. Vụ xuân năm nay, gia đình gieo lại bằng giống lúa Lam Sơn 8, nhưng “lúa ma” vẫn mọc lên và có dấu hiệu mọc nhiều hơn.
Giải pháp nào diệt “lúa ma”!?
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Bá Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Quảng Long cho biết: Tình trạng “lúa ma” xuất hiện rải rác từ năm 2014 nhưng từ năm 2016 đến nay nó lan rất rộng và ảnh hưởng tới đời sống nhân dân. “Chúng tôi đã báo cáo UBND huyện và Phòng Nông nghiệp huyện. Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật về xem xét, nghiên cứu nhưng không tìm ra nguyên nhân. Đến nay, chúng tôi cũng chưa có giải pháp nào, chỉ biết thông báo cho nhân dân chủ động nhổ thủ công trong các ruộng lúa của mình”, ông Hùng nói.
Được biết, hiện nay toàn xã Quảng Long có 8 thôn và thôn nào cũng bị tình trạng “lúa ma” lấn át mọc xen lẫn lúa gieo trồng của nhân dân với diện tích hơn 10ha (tổng diện tích lúa cả xã gieo trồng là 297,7ha). Trong đó, có 3 thôn: Bái Đông, Thổ Ngõa và Lộc Long có diện tích ruộng bị “lúa ma” mọc nhiều. Trước tình trạng này, người dân xã Quảng Long đã có đơn cầu cứu gửi lên Bộ NN&PTNT.
Đại diện UBND xã Quảng Xương cho biết, cũng nắm được sự việc và báo cáo lên Sở NN&PTNT Thanh Hóa để có hướng dẫn và hỗ trợ xác định rõ nguyên nhân dẫn tới hiện trạng “lúa ma”.
Ông Đỗ Văn Kỳ, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT Thanh Hóa) cho biết, đã nhiều lần cử cán bộ xuống thực tế xem xét cùng với huyện. “Lúa ma” là một loại lúa dại nên khả năng duy trì nòi giống của nó tương đối tốt. Loại lúa này không có giá trị sử dụng, vì bông lúa rất dễ rụng và không đồng đều, cây nào mọc trước thì trổ trước, cây nào mọc sau thì trổ sau. Để khắc phục hiện tượng này, trước mắt người dân không nên gieo sạ và làm đất thật kỹ, gieo cấy lúa phải theo từng hàng vì sau này nếu “lúa ma” có mọc, nhổ đi dễ hơn”, ông Kỳ cho hay.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét