Ngày mà hàng trăm người dân vì quá bức xúc phải bỏ công việc để tập trung bao vây nhà máy thép gây ô nhiễm thì chính quyền Đà Nẵng đưa ra dự thảo xây dựng "thành phố đáng sống".
- 02-03-2018 Đà Nẵng chọn dân, đóng cửa 2 nhà máy thép gây ô nhiễm môi trường
- 01-03-2018 Dừng hoạt động vô thời hạn 2 nhà máy thép gây ô nhiễm bị người dân Đà Nẵng bao...
- 28-02-2018 Vụ hóa đơn toàn chữ Trung Quốc ở Đà Nẵng: "Tính nhầm" gần 1 triệu đồng, bán...
Suốt một tuần, hàng trăm người già, trẻ, lớn, bé, gái, trai 2 thôn Vân Dương 1, Vân Dương 2 (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng ) thay phiên nhau tập trung, bao vây buộc nhà máy thép Dana Ý, Dana Úc phải dừng hoạt động.
Họ bỏ công ăn việc làm, bỏ thời gian để đấu tranh vì "không thể chịu nỗi ô nhiễm môi trường" từ khi 2 nhà máy thép hoạt động. Họ càng bức xúc hơn khi chính quyền không thực hiện cam kết di dời hoặc dân hoặc nhà máy.
Chính quyền Đà Nẵng lập tức đến nơi, tổ chức đối thoại để lắng nghe ý kiến của người dân. Nhưng cả hai cuộc đối thoại liên tục trong hai ngày đều thất bại khi bà con bỏ về giữa chừng sau phát biểu của vị lãnh đạo thành phố rằng "ghi nhận ý kiến" để giải quyết.
Hàng trăm người dân thôn Vân Dương 1, 2 tập trung tham dự buổi đối thoại về nhà máy gây ô nhiễm.
Người dân Vân Dương 1, 2 nêu ý kiến quá nhiều lần, chính quyền hứa giải quyết đã hơn 21 lần trong suốt 11 năm có nhà máy thép. Vậy nên cụ Nguyễn Nam (80 tuổi) thay mặt bà con nói chắc nịch "nhà máy đi thì dân về nhà".
Ngay trước tết, Chi cục Quản lý thị trường Đà Nẵng cũng ghi nhận phản ánh của quản lý nam ca sĩ Quang Lê về việc nhà hàng 27 Seafoods chặt chém, có thái độ với khách hàng. Cơ quan chức năng nhanh chóng ghi nhận để đi kiểm tra. Vậy nhưng hơn 1 tháng trôi qua vẫn chưa có đơn vị nào kết luận sự việc. Trong khi, những thông tin về nạn chặt chém ở thành phố này ngày càng nhiều.
Người dân và du khách đến Đà Nẵng không chỉ đối diện với nạn chặt chém mà còn có thể trở thành người mù chữ khi chẳng thể nào đọc được những gì các nhà hàng viết trên hóa đơn tính tiền. Một tờ hóa đơn như vậy vừa được nhà hàng Siêu Hấp dành cho vị khách đến từ An Giang trong dịp tết vừa qua.
Tờ hóa đơn hoàn toàn bằng tiếng Trung Quốc nên vị khách chẳng có cơ hội nào để biết mình phải trả bao nhiêu tiền. Họ buộc phải trả số tiền hơn 8 triệu đồng mà nhân viên yêu cầu.
Nhà hàng Siêu Hấp dùng hóa đơn toàn tiếng Trung Quốc.
Quản lý thị trường Đà Nẵng một lần nữa vào cuộc mới biết rằng nhà hàng Siêu Hấp hoạt động mà chẳng cần giấy phép, không đăng ký kinh doanh, niêm yết giá. Cơ quan này kết luận rằng hóa đơn mà vị khách nọ không đọc được không sai cũng chẳng sai phạm gì. Có chăng, sai là do khách không đọc được thì đó là lỗi của khách.
Cái hóa đơn tính tiền lên đến hơn 8 triệu đồng cũng được giải thích nhẹ tênh rằng "nhân viên tính nhầm 950.000 đồng chứ không có chuyện chặt chém".
Mới nhất, một người phụ nữ Trung Quốc là hướng dẫn viên chui đứng ở bảo tàng Đà Nẵng, cạnh Trung tâm hành chính Đà Nẵng để xuyên tạc lịch sử Việt Nam. Các cơ quan chức năng Đà Nẵng ngay lập tức ghi nhận khi cộng đồng hướng dẫn viên du lịch tiếng Hoa và báo chí phản ánh.
Người phụ nữ Trung Quốc làm hướng dẫn viên chui, xuyên tạc lịch sử Việt Nam ngay tại bảo tàng Đà Nẵng.
Sở Xây dựng Đà Nẵng cũng vừa ghi nhận được 14 khách sạn chưa nghiệm thu đã hoạt động, đón khách lưu trú. Mặc dù vậy, những khách sạn này đã hoạt động được hơn 1 năm, thậm chí 2, 3 năm và đều nằm ở những vị trí ai cũng nhìn thấy nhưng đến giờ cơ quan chức năng mới phát hiện.
Chuyện một chính quyền ghi nhận ý kiến của người dân để giải quyết là đáng hoan nghênh. Nhưng ở Đà Nẵng, có quá nhiều chuyện được ghi nhận rồi để đó.
Làm sao để thành nơi đáng sống?
Trong ngày mà người dân Vân Dương 1, Vân Dương 2 bắt đầu bao vây nhà máy thép, ở một phòng họp sạch đẹp tại trung tâm thành phố, chính quyền Đà Nẵng đưa ra dự thảo bộ tiêu chí "thành phố đáng sống".
Trong dự thảo trên có 6 nhóm tiêu chí gồm: tiêu chí phát triển con người, tiêu chí quản lý, tiêu chí cơ sở hạ tầng, tiêu chí môi trường kinh tế, tiêu chí môi trường sống và tiêu chí đời sống văn hóa - xã hội.
Bãi biển Đà Nẵng ô nhiễm. Ảnh: Đông Đông
Đà Nẵng còn cẩn thận chia 6 nhóm tiêu chí này thành 28 tiêu chí cụ thể. Trong đó có những tiêu chí rất đặc biệt như, người dân có việc làm với thu nhập ngày càng cao; người dân có chỗ ở ổn định, giảm nghèo và bất bình đẳng xã hội; GDP bình quân đầu người, an toàn vệ sinh thực phẩm, cải cách hành chính, môi trường xach sạch đẹp…
Chính quyền Đà Nẵng khảng định bộ tiêu chí "thành phố đáng sống" nhằm góp phần xây dựng và phát triển Đà Nẵng theo hướng văn minh, hiện đại, nhân văn và có bản sắc riêng.
"Thành phố đáng sống" là biệt danh yêu thương mà người dân cả nước ưu ái dành tặng Đà Nẵng từ trước đến nay mà chẳng cần tiêu chí nào.
Đó là khi Đà Nẵng có môi trường sống tuyệt vời, chẳng bao giờ được nhắc đến với những sự việc như dân bao vây nhà máy để phản đối ô nhiễm. Đó là khi mà du khách đến thành phố biển này du lịch chẳng bao giờ phải đề phòng nạn chặt chém trong khi từ Nam chí Bắc lại là chuyện phổ biến.
Đà Nẵng có còn đáng sống khi cảnh kẹt xe như thế này diễn ra thường xuyên? Ảnh: Đông Đông.
Và đó là khi những phản ánh dù là nhỏ nhất cũng đến tai lãnh đạo và lãnh đạo ngay lập tức đến hiện trường thị sát giải quyết. Người dân thôn Vân Dương 1, 2 trong những ngày bao vây nhà máy vẫn kể với nhau chuyện về ông Nguyễn Bá Thanh trước đây.
Có vị lãnh đạo trước hễ nghe dân phản ánh chuyện gì thì hoặc âm thầm hoặc công khai đi kiểm tra để nghe dân nói, để hiểu tường tận ngọn ngành. Lãnh đạo này cũng luôn đe sẽ cách chức cán bộ nào không giải quyết được chuyện của dân. Vì vậy, guồng máy phục vụ dân cũng trơn tru, lấy được thiện cảm của dân.
Nhưng bây giờ ở Đà Nẵng, nhiều ngày phải đọc tin ô nhiễm, chuyện chặt chém, chuyện xuyên tạc lịch sử, kẹt xe, xây dựng chui, khách sạn hoạt động chui…, liệu Đà Nẵng có còn là "thành phố đáng sống"?
Mong rằng tới đây việc xây dựng thành phố đáng sống sẽ được các lãnh đạo hiện thực hóa để nó không còn chỉ là cụm từ đẹp nằm trên giấy.
Theo Đình Thức
Trí Thức trẻ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét